[Thế giới-Báo Giáo dục Việt Nam] - Quân Mỹ sẽ tăng quân ở Australia, sẽ không rời châu Á

(GDVN) - Đến tháng 4/2014, Thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú ở Australia sẽ tăng lên 1.150 quân, thể hiện Mỹ cam kết lâu dài với đồng minh và châu Á-Thái Bình Dương.


Binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ (ảnh tư liệu minh họa)

Quân đội Mỹ vừa cho biết, tháng 4 năm nay sẽ điều thêm Thủy quân lục chiến Mỹ đến đóng ở thành phố Darwin, miền bắc Australia, đến lúc đó quân số lực lượng đồn trú Mỹ tại Australia sẽ từ 200 binh sĩ hiện nay tăng lên tới 1.150 binh sĩ.

Căn cứ vào thỏa thuận đạt được giữa Mỹ-Australia, muộn nhất là vào năm 2016 tới năm 2017, số lượng đồn trú ở Australia của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ lên tới 2.500 quân; đây là một kế hoạch triển khai trong chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương".

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ra tuyên bố cho biết, binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ được cử đến Australia phần lớn thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn đánh bộ 5, trại Pendleton, bang California. Dự kiến, số quân Mỹ này sẽ đến Australia vào đầu tháng 4 tới.


Máy bay trực thăng vận tải hạng trung CH-53E Sea Stallion Mỹ

Tuyên bố này cho biết, có 4 máy bay trực thăng vận tải hạng trung CH-53E Sea Stallion, có khoảng 100 nhân viên phụ trách điều khiển và sửa chữa những máy bay trực thăng này.

Người phát ngôn khu vực châu Á-Thái Bình Dương của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ Colonel Brad Bartelt cho biết, việc triển khai này là thể hiện thực chất Mỹ cam kết lâu dài đối với Liên minh Mỹ-Australia và châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nói: "Quân Mỹ đồn trú sẽ tăng cường khả năng quan hệ hợp tác, ứng phó thảm họa và hợp tác lẫn nhau, giúp cho chúng ta có thể cung cấp huấn luyện cho nước đối tác, duy trì và tăng cường thực lực sẵn sàng chiến đấu".

Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2011 tuyên bố, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ luân phiên đồn trú ở Darwin, quan chức Mỹ nhấn mạnh quân Mỹ sẽ không lập căn cứ vĩnh viễn ở Australia, lực lượng đánh bộ ở Darwin khoảng 6 tháng sẽ tiến hành luân phiên.

Vào tháng 11 năm 2012, quan chức Australia, Mỹ cũng tuyên bố, quân Mỹ sẽ triển khai radar tính năng cao và ống nhòm vũ trụ ở Australia.


Thủy quân lục chiến Mỹ

[Thế giới-Lao Động] - Căng thẳng Ukraine: Nga không được lợi lộc gì trong cuộc chiến khí đốt mới với Ukraine

“Dòng chảy khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine sang Liên minh Châu Âu có thể bị ngừng lại” là cảnh báo được Bộ trưởng Năng lượng Ukraina Yuri Prodan đưa ra trong một bức thư gửi Cao ủy Năng lượng EU Gunther Oettinger. Ông Alexei Leshenko - Phó Chủ tịch Viện Gorshenin có trụ sở tại Kiev, Ukraine - đã trả lời phỏng vấn dành riêng cho Đài Tiếng nói nước Nga quanh vấn đề này.

Dòng sự kiện Căng thẳng Ukraina

- Ông có thấy tuyên bố của ông Prodan mang tính khiêu khích?

- Chúng ta nên nói rằng đây là một tuyên bố mang nhiều tính phòng thủ hơn. Như đã biết, đã từng có 2 cuộc chiến tranh khí đốt với Nga và ông Prodan chỉ ra một tuyên bố để ngăn chặn sự việc phát triển tới mức tồi tệ nhất, những hậu quả tồi tệ nhất trong mối quan hệ với Nga về lĩnh vực khí đốt.

Về mặt công nghệ thì rất khó để ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine, hoặc rất khó để ngăn chặn việc vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine. Vì vậy, ông Prodan chỉ cảnh báo các nước Châu Âu nếu các mối quan hệ và đàm phán với Nga đi theo hướng xấu, thì những điều này sẽ ảnh hưởng lập tức đến nguồn cung cấp khí đốt của các nước Châu Âu.

- Có thể Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine? Dự báo bi quan như thế có khả năng tiềm tàng không? Moskva đã ra bất kỳ tuyên bố chính thức trong lĩnh vực này chưa?

- Theo như tôi biết thì không có tuyên bố chính thức về vấn đề này, vì không có bối cảnh để điều đó xảy ra, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ tuyên bố chính thức từ Moskva về việc ngừng cấp gas. Đây là thông tin liên lạc giữa ông Prodan và ông Oettinger, và có lẽ là hiện nay Nga thấy vẫn không nên bình luận về điều này, vì thái độ như thế sẽ tốt hơn cho Nga vì nó có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa Nga và EU trong lĩnh vực khí đốt.

Nếu Nga đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về tuyên bố của ông Prodan, thì cần thừa nhận rằng đó là viễn cảnh tồi tệ nhất - ngừng cung cấp khí đốt cho các nước Châu Âu. Vì vậy, Nga không bình luận gì thì tốt hơn.

- Nga quan tâm tới một cuộc chiến tranh khí đốt mới với Ukraine?

- Tôi không nghĩ rằng Nga quan tâm đến một cuộc chiến tranh khí đốt mới với Ukraine vì nếu chúng ta loại tất cả những cảm xúc ra, thì nhìn một cách hoàn toàn lý trí, đây là chuyện chính trị thuần túy. Nếu chúng ta theo cách tiếp cận thực tiễn thì những cuộc chiến khí đốt đã không chỉ làm xấu đi hình ảnh Ukraine như là một đối tác đáng tin cậy cho các nước Châu Âu, mà còn làm xấu đi hình ảnh của Nga như một nguồn cung cấp đáng tin cậy cho các nước Châu Âu. Như đã biết, khoảng 75% nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang các nước Châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraine.

- Xin cảm ơn ông!

Voice of Russia - RIA

[Thế giới-VTC News] - Interpol tố Malaysia không đối chiếu cơ sở dữ liệu

(VTC News) - Hôm 28/3, các nhà chức trách của Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã chỉ trích Cục quản lý xuất nhập cảnh Malaysai đã không đối chiếu hộ chiếu của hành khách với cơ sở dữ liệu của Interpol chỉ vì quá trình này tốn nhiều công sức.


Trong khi các nhà điều tra quốc tế đang vẫn đang tìm kiếm chiếc MH370 mất tích hôm 8/3 cùng 239 người thì Malaysia lại nói họ đã không kiểm tra hộ chiếu hành khách với cơ sở dữ liệu của Interpol, trong đó có cả hộ chiếu bị đánh cắp.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Malaysia, ông Zahid Hamidi, phát biểu trước Quốc hội Malaysia rằng lượng dữ liệu về những hộ chiếu bị mất mà Interpol lưu giữ là “quá lớn” và “quá tải” đối với hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu của Malaysia, Reuters tường thuật.

Trụ sở Interpol tại Lyon, Pháp
“Việc đối chiếu với thông tin của Interpol về những hộ chiếu đã mất có thể làm chậm quá trình làm thủ tục nhập cảnh”, ông Zahid nói.
Hai hành khách trên chuyến bay MH370 đã dùng hộ chiếu giả bị đánh cắp khiến các nhà chức trách nghi ngờ khả năng máy bay bị khủng bố. Tuy nhiên, sau đó họ lại cho rằng 2 thanh niên đó không liên quan đến việc máy bay mất tích.
Interpol cũng khẳng định “chỉ mất 0,2 giây để kiểm tra hộ chiếu đó có phải là hộ chiếu ăn cắp không”. Cơ quan có trụ sở tại Pháp này cho biết, đến nay, chưa có quốc gia nào phàn nàn rằng quá trình này làm chậm tiến trình bay cả.
Interpol cho rằng, “quyết định không tham khảo cơ sở dữ liệu của cơ quan này trước khi cho hành khách nhập cảnh hoặc lên máy bay không thể được biện hộ bằng cách đổ lỗi cho công nghệ hoặc Interpol. Nếu ai đó phải chịu trách nhiệm hoặc bị đổ lỗi cho sai lầm này thì đó chỉ có thể là Cơ quan nhập cảnh của Malaysia”.
Hôm qua, 29/3, tròn 3 tuần kể tù khi máy bay Malaysia mất tích. Công tác tìm kiếm vẫn được triển khai mặc dù gặp nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết và xác định vị trí rơi của máy bay trên Ấn Độ Dương.

Theo bạn, máy bay Malaysia đang ở đâu?

Gần biên giới Trung Quốc Đã quay về Malaysia Bị không tặc bắt cóc đến nơi khác

Minh Lý

[Giáo dục -Kênh 14] - Du học miễn phí – nên bắt đầu từ đâu?

Vậy được học bổng toàn phần có khó lắm không? Nên chuẩn bị những gì? Bắt đầu từ khi nào?

Ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài học tập để lĩnh hội kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Được học tập và sống ở các nước phát triển, tiếp xúc những nền văn hóa, phong tục tập quán mới là bước chuẩn bị rất tốt cho cuộc đời của mỗi người. Nhưng không phải ai cũng có thể du học bằng con đường tự túc, vì nó rất đắt đỏ và phần lớn gia đình ở Việt Nam không thể đáp ứng được. Vậy chúng ta phải làm sao?

Câu trả lời là học bổng toàn phần. Chúng ta thường cho rằng, học bổng toàn phần là học bổng 100% học phí, nhưng thực tế cách hiểu này chưa hoàn toàn đúng. Học bổng toàn phần phải là học bổng chi trả cho bạn toàn bộ chi phí học tập (học phí, chi phí nghiên cứu, tài liệu) và hỗ trợ bạn tiền sinh hoạt phí hàng tháng, cộng với chi phí đi lại (vé máy bay khứ hồi), chi phí bảo hiểm và các chi phí cần thiết khác. Ví dụ các học bổng Erusmus của Liên Minh Châu Âu, học bổng Mext của Nhật, Học bổng KGS của Hàn Quốc… là các học bổng toàn phần.



Du học sinh Việt Nam ở Wroclaw Ba Lan


Như vậy, nếu bạn được học bổng toàn phần, thì chắc chắn gia đình không phải chu cấp gì cho bạn nữa. Thực tế là, các du học sinh Việt Nam nhận được học bổng toàn phần do các tổ chức quốc tế, hoặc chính phủ các nước cấp, sau khi học xong đều tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

Vậy được học bổng toàn phần có khó lắm không? Nên chuẩn bị những gì? Bắt đầu từ khi nào?

Vì giá trị học bổng lớn, chu cấp toàn bộ, nên được học bổng toàn phần là không dễ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nếu học tập – phấn đấu tốt và có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng các học bổng toàn phần, trong đó rất nhiều người nhận được Mext của Nhật, học bổng ADS và AAS của Úc…

Để được học bổng loại này, bạn phải chứng minh được cho hội đồng xét tuyển mình thuộc nhóm những ứng cử viên ưu tú nhất. Thông thường, bạn phải đạt kết quả trung bình học tập trên 80% (tức là 8.0 trên 10 với thang điểm hệ số 10), ngoại ngữ tốt (thường là tiếng Anh, được chứng minh bằng kết quả TOEFL hoặc IELTS). Với các bậc học sau đại học, bạn còn phải chứng minh được khả năng nghiên cứu khoa học, thông qua kinh nghiệm nghiên cứu, bài báo khoa học. Nếu bạn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể - xã hội, sẽ là điểm cộng trong hồ sơ ứng cử học bổng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là kết quả học tập và ngoại ngữ.

Do vậy, để hội tụ đủ những điều kiện được học bổng, bạn cần có một kế hoạch học tập kiến thức và ngoại ngữ dài hơi, càng sớm càng tốt. Nếu bạn có ý định giành học bổng học đại học, thì bắt đầu cố gắng ngay từ khi vào lớp 10, còn bạn có kế hoạch ứng cử học bổng sau khi tốt nghiệp đại học, thì từ năm đầu học đại học bạn đã cần phải cố gắng và phấn đấu.

Việc tích cực tham gia các diễn đàn về học bổng, du học như Hội du học sinh Việt Nam (trên Facebook), mục Du học của Diễn đàn Trái Tim Việt Nam online…, và tìm kiếm các học bổng ở các website tìm kiếm học bổng là điều nên làm đối với những ai có ý định đi du học bằng học bổng. Qua đó, bạn có thể kết bạn với những người cùng chí hướng, học hỏi những anh chị đã thành công đi trước, và chọn được cho mình những học bổng ưng ý nhất.

[Giáo dục -Tiin.vn] - Chuyên Lam Sơn – nơi ghi dấu ký ức của học trò xứ Thanh

Nhắc tới THPT Chuyên Lam Sơn, học trò xứ Thanh luôn tự hào về một trong những ngôi trường THPT chuyên đầu tiên của cả nước, có bề dày truyền thống và thành tích.

THPT Chuyên Lam Sơn có nhiều điều đặc biệt. Một trong những điều đặc biệt ấy có lẽ chính là màu sơn hồng vô cùng đặc trưng, khó có thể nhầm lẫn với bất cứ ngôi trường THPT nào.

Góc thân thương nhất đối với các thế hệ học trò chuyên Lam Sơn là sân thượng lộng gió – nơi mà cô cậu học trò nghịch ngợm vẫn thường trốn ra đó để buôn dưa lê hay ăn quà vặt. Bạn Nguyễn Thu Phương – cựu học sinh của trường chia sẻ: “Ra trường, nhớ nhất là sân bóng rổ, nhớ nhì là sân thượng”, bạn Lê Thủy cũng có cùng cảm xúc: “Nhớ sân thượng những ngày gió lộng. Ôi mái trường Lam Sơn mến yêu”.

Với nhiều cựu học sinh khác, nỗi nhớ ấy lại dành cho những ngày trời đổ mưa to, cả trường ngập nước, “Nhớ những lần lụt lội, đi từ cổng trường vào mà ngập cả nửa bánh xe. Khi mình vào được đến chỗ để xe thì mất luôn cả chiếc dép vì tội đi dép lê đi học” – bạn Dương Thu Nga nhớ lại.


Ngôi trường Chuyên Lam Sơn với màu hồng đặc trưng


Biểu tượng thân thương của trường

Và đặc biệt, không thể không kể đến những trò nghịch ngợm của tuổi mới lớn được gắn với thầy giám thị Dũng vô cùng nghiêm khắc nhưng rất yêu quý học trò. Tất cả đã trở thành những kỷ niệm khó quên mà bất cứ người con Lam Sơn nào khi ra trường, cũng bồi hồi xúc động khi nhớ về.

Bạn Trương Thu Hà kể: “Tớ thì hay đi học muộn nên toàn trèo tường vào trường, nhưng có hôm bị thầy Dũng bắt được, chạy thục mạng. Sau vụ đấy, thầy “tóm” luôn vào đội thi chạy của trường. Thầy cứ nghĩ tớ chạy nhanh lắm”…

Bạn Nguyễn Dũng cũng bồi hồi chia sẻ: “Dãy hàng rào thứ 4 bên phải cánh cổng là nơi ghi dấu lần bị thầy Dũng giám thị bắt vì tội trèo tường, xém chút nữa bị rách quần…”

Tình yêu và nỗi nhớ dành cho Chuyên Lam Sơn còn gắn với những thầy cô giáo tận tụy dìu dắt bao thế hệ học trò của trường bằng tài năng và tâm huyết. Trong đó phải thầy kể đến thầy Lê Văn Hoành – thầy giáo dạy Vật lý của trường – người đã vì “những em học sinh yêu quý mà cống hiến cả cuộc đời mình”. Thầy từng khiến học trò trầm trồ ngưỡng mộ với khả năng “đọc không sót một từ nào trong cuốn sách giáo khoa Vật lý 12”…

Hơn 80 năm, nhiều thế hệ học trò của Chuyên Lam Sơn đã bước ra cánh cổng trường, vươn tới những chân trời mới nhưng vẫn luôn nhớ về trường với những tình cảm gắn bó, thân thương nhất. Ngôi trường này mỗi năm đón thêm nhiều lớp học trò mới và vẫn là niềm tự hào, là mơ ước của rất nhiều học trò xứ Thanh.




Ngôi trường rợp bóng cây xanh


Dòng chữ luôn nhắc nhở thầy trò Chuyên Lam Sơn nỗ lực rèn luyện tài trí



Dãy hành lang quen thuộc


Sân trường nhìn từ trên cao





Những cô cậu học trò Chuyên Lam Sơn


Trẻ trung, xì - tin


Đầy dịu dàng, nữ tính



Ảnh: Fanpage THPT Chuyên Lam Sơn


[Giáo dục -iOne.net] - Khi con đại gia 'ăn hôi' hàng trợ cấp

Dùng smartphone cả chục triệu, đi tay ga, diện đồ hàng hiệu, nhiều bạn vẫn chăm chăm 'đào' học bổng trợ cấp cho ét-vê nghèo.

Trước Tết, tớ ra tiễn một người bạn về quê trong chương trình Chuyến xe mùa xuân. Đây là hoạt động tặng vé xe cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Sinh viên từ các trường nếu thấy đủ điều kiện thì nộp đơn. Sau đó, Trung tâm sẽ xem xét và tặng vé cho những bạn trẻ khó khăn thật sự.

Do đó, khi trông thấy một số bạn cầm smartphone hàng chục triệu tham gia vào chương trình này, tớ rất sốc! Với những bạn khó khăn thật sự, một chiếc điện thoại cảm ứng bình thường đã là quá đủ. Chắc chắn, những chiếc điện thoại đắt tiền với các bạn ấy là điều gì đó rất xa xỉ.


Được bố mẹ chu cấp đầy đủ, không ít teen vẫn sẵn sàng tranh giành những phần trợ cấp không thuộc về mình. Ảnh minh họa: FB.

Hôm sau, tớ làm tình nguyện viên trong một chương trình hỗ trợ cho sinh viên đón Tết xa nhà. Trong vai một người đồng cảnh ngộ, tớ mon men hỏi thăm một bạn là sinh viên trường ĐH trong Thành phố.

- Sao bạn biết đến chương trình này thế?

- Thông tin từ Đoàn trường đưa xuống đó bạn.

- Năm nay bạn không về nhà à?

- Thật ra là có, đến 28 Tết mình mới về, tại ham vui nên mình đến dự, sẵn nhận quà tết của BTC luôn.

- Ủa, mình nghe nói là quà này chỉ dành cho sinh viên ở lại đón Tết để động viên. Về trễ cũng được nhận nữa hả?

- Trời! Vậy là bạn không biết đó thôi, nhiều đứa như vậy lắm... Năm nào tụi mình cũng mua vé xe về trễ hết á, chủ yếu là đăng ký chương trình này để nhận quà rồi mới về. Có cả trăm đơn đăng ký, ai mà rảnh ngồi xét từng cái xem bạn khai đúng hay sai.

Rồi những ngày Tết, tớ đi làm thêm ở Đường hoa Nguyễn Huệ cùng với một số bạn trẻ không về quê thật sự. Tớ quen với cô bạn tên Thuần, sinh viên trường Đại học Văn Hóa. Cô bạn kể tớ nghe rất nhiều về tuổi thơ, cuộc sống rồi những đêm đi làm thêm về mệt nhoài. Nghe câu chuyện của Thuần, nhìn khóe mắt cay cay cùng những nếp nhăn trên trán, tớ không nghĩ đang nói chuyện với một cô bạn đồng trang lứa.

Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng ít khi nào Thuần xin học bổng trợ cấp của các tổ chức xã hội. Bạn luôn tâm niệm: “Mình nghèo còn có người nghèo hơn, mình còn trẻ, đi làm sẽ tích lũy kinh nghiệm, những đồng lương trang trải cuộc sống tuy ít ỏi nhưng dẫu sao cũng quý hơn là nhờ vào học bổng trợ cấp”.

Nhìn lại, nhiều bạn trẻ ngày nay sức học đâu có thua ai. IQ không quá tệ, được bố mẹ chiều chuộng xe tay ga, thuê nhà trọ đắt tiền để học tập. Nhiều bạn thích chải chuốt, hàng hiệu, không hề đi làm thêm. Và mỗi khi có học bổng trợ cấp của bất cứ đơn vị nào, họ lại sẵn sàng gọi về gia đình xin giấy chứng nhận hộ nghèo. Để rồi, cái gọi là “học bổng trợ cấp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn” lại chảy vào túi của sinh viên khá giả.

Dẫu biết rằng đây không phải tất cả, nhưng bộ phận không nhỏ bạn trẻ có hành xử như vậy khiến cộng đồng có cái nhìn không hay. Tớ không biết nên gọi đây là hành vi “Lừa đảo” hay “Lợi dụng lòng tin của người khác”.

Tất nhiên, câu chuyện nhạy cảm này sẽ còn kéo dài, tùy thuộc vào ý thức của nhóm bạn trẻ nọ. Họ cũng có quyền cho rằng mình cũng đáng được giúp đỡ như nhiều ét-vê nghèo khác. Có điều, nếu xét trên phương diện những học bổng là các phần quà khuyến khích sự phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống, thì có lẽ họ không bao giờ đạt được ý nghĩa trọn vẹn của những phần thưởng ấy.

Tiến

IShare là chuyên mục để teen thoải mái chia sẻ tâm sự hay bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ vấn đề đang diễn ra xung quanh.Quan điểm của bạn có thể khác với quan điểm của iOne. Đừng ngần ngại chia sẻ nhé!

[Giáo dục -SGGP] - Rà soát các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên cả nước

(SGGP). – Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị các sở GD-ĐT rà soát, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (NCL) trên địa bàn trước ngày 20-2. Trong đó, báo cáo tập trung làm rõ thực trạng tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non NCL, phân tích rõ điểm mạnh, điểm hạn chế quy mô, mạng lưới trường lớp, khả năng huy động trẻ.

Đồng thời, (bộ cũng yêu cầu báo cáo về chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ (việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tổ chức bán trú, biện pháp thực hiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho trẻ). Phân tích điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của các trường tư thục và các nhóm, lớp độc lập tư thục. Ngoài ra, các địa phương cũng phải báo cáo, làm rõ những nội dung về cơ sở vật chất (gồm kinh phí đầu tư, khuôn viên, diện tích, số lượng, chất lượng phòng học, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ); đội ngũ (trình độ, thu nhập của giáo viên và nhân viên, việc thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm...).

LÂM NGUYÊN