[Nhà đất-Báo Hải Quan] - Góp ý hoàn thiện Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở sửa đổi

(HQ Online)- Ngày 21-3, tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo Lấy ý kiến các luật sư, luật gia, chuyên gia và giới kinh doanh bất động sản để hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi.


Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại hội thảo, các luật sư, luật gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp đã thảo luận nhiều nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: điều kiện về vốn pháp định của hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân người nước ngoài. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch BĐS, dịch vụ môi giới BĐS, quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, các quy định về phát triển nhà ở xã hội, điều kiện mua bán nhà ở…

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, việc mở rộng điều kiện mua nhà cho Việt kiều và nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để giải quyết tình trạng ế ẩm của thị trường BĐS. Liên quan đến quy định về việc xây dựng nhà ở xã hội các doanh nghiệp cũng cho rằng, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động mọi đối tượng, mọi nguồn lực cùng tham gia.

Về điều kiện hoạt động dịch vụ môi giới BĐS, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định người làm dịch vụ môi giới BĐS phải có bằng tốt nghiệp đại học là không cần thiết, tuy nhiên người làm dịch vụ môi giới phải có được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề vì môi giới là một nghề rất quan trọng.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đã tổ chức góp ý về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Tại hội thảo, các nội dung của dự thảo như quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, quản lí sử dụng nhà chung cư và các quy định về giao dịch nhà ở cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, nếu chủ đầu tư được thế chấp dự án, thậm chí nhà ở đang xây dựng (nhà ở hình thành trong tương lai và khách hàng cũng được phép đem những căn nhà hình thành trong tương lai cầm cố ngân hàng như theo quy định của dự thảo thì sẽ gây rất nhiều rủi ro cho người mua nhà và phát sinh nhiều khiếu kiện, tranh chấp.

Liên quan đến các quy định về quản lí sử dụng nhà chung cư, nhiều ý kiến cũng cho rằng kết hợp quản lí nhà chung cư thành dịch vụ quản lí BĐS tạo khung pháp lí cho ngành dịch vụ. Đồng thời cần có quy định riêng về kinh phí bảo trì nhà ở vì hiện nay đang có sự nhập nhằng giữa kinh phí bảo trì và kinh phí quản lí vận hành chung cư…

Nguyễn Huế