[Kinh tế-Báo Hải Quan] - Ách tắc dưa hấu tại Tân Thanh "do khâu quản lý chưa tốt"

(HQ Online)- Thời gian gần đây, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có hiện tượng dưa hấu của bà con nông dân ùn ứ. Tình trạng này các năm trước cũng đã từng xảy ra, nhưng năm nay diễn ra nghiêm trọng hơn do… được mùa dưa hấu.


Dưa hấu ách tắc tại cửa khẩu. Ảnh internet.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, ngành Công Thương phối hợp với ngành khác có sự tham gia, chỉ đạo để giải quyết tại chỗ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, ông Hải thừa nhận là do khâu quản lý chưa tốt.

Cũng theo ông Hải, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do loại quả này cho năng suất cao, giá xuất khẩu của vài vụ trước được giá nên người dân đã mở rộng diện tích trồng.

“Như vậy, quy mô sản xuất mang tính cá thể, không có điều tiết nên sản lượng tăng đột biến. Trong khi tiêu thụ trong nước hạn chế, với thông tin giá bán trên biên giới tốt hơn, người nông dân đã đổ xô đưa hàng lên gây nên hiện tượng ách tắc tại cửa khẩu”, ông Hải phân tích.

Ngoài ra, giống như nhiều nông sản khác, vụ thu hoạch dưa hấu tập trung trong thời gian ngắn nhưng khâu chế biến bảo quản chưa làm được. Nếu không tiêu thụ được thì chỉ có nước đổ đi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ách hàng.

Đặc biệt, do chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc, thương nhân Trung Quốc chỉ nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, làm hạn chế khả năng giải phóng hàng.

Đối với vụ dưa hấu vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện một số biện pháp như: Liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thông thoáng bà con nông dân đưa dưa hấu sang; cử người lên Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận form E cho bà con nông dân; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa… Cơ bản, đến nay không còn tình trạng ách hàng tại cửa khẩu Tân Thanh.

Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp phía Trung Quốc có chính sách thương mại biên giới phù hợp tạo điều kiện cho thương nhân hai nước buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, biện pháp dài hơi để khắc phục tình trạng này, theo ông Hải, ngoài việc khuyến khích, tuyên truyền đầy đủ cho bà con nông dân khi đưa hàng lên biên giới thì việc đầu tư kho bãi để bảo quản hàng hóa tốt hơn, xây dựng trung tâm thu mua phân phối là mới là cốt yếu.

Đặc biệt “Bộ Công Thương đang nghĩ đến biện pháp dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn Trung Quốc hoặc thuê nhà tư vấn “nằm vùng” tại Trung Quốc nghiên cứu đưa ra phương hướng để thâm nhập thị trường này”, ông Hải cho biết.

Phan Thu