[Xã hội-Sức Khỏe Đời Sống] - Những dự án quá lãng phí, không thiết thực

Bộ VH-TT-DL vừa có những sự kiện, dự án “hot” (?!), làm báo giới lẫn bàn dân thiên hạ phải kinh ngạc, bàng hoàng.

Trước hết là việc Bộ VH-TT-DL... cực kỳ nỗ lực để được đăng cai Asian Games 18 vào năm 2019. Theo như cách nói của nhiều quan chức Bộ này, thì họ đã phải… vô cùng khó nhọc, mưu trí, khéo léo để vượt qua nhiều quốc gia, mới đạt được quyền đăng cai! Để chuẩn bị cho Asian Games 18, nước ta phải tốn kém khoảng 150 triệu USD, tức là khoảng 3.000 tỷ đồng VN. Dư luận lo ngại khoản kinh phí lớn, trong khi nền kinh tế nước nhà đang gặp nhiều khó khăn, thì các quan chức đứng đầu Bộ VH-TT-DL nói rằng: Các cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng vào những mục đích kinh tế- xã hội và điều quan trọng là qua Asian Games 18, nhất định các VĐV Việt Nam sẽ đạt không dưới 50 huy chương các loại (?!). Sự thật thì, nhiều năm qua, với các thế vận hội quốc tế và khu vực, nhiều nước đăng cai đã thua lỗ nghiêm trọng khi không thu hồi được vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phí tổ chức rất tốn kém, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và trật tự an ninh của nước đăng cai, khiến nhân dân nước họ ta thán, bất bình (như Thế vận hội mùa đông Sochi- Nga, Olympic ở Trung Quốc, Hy Lạp, Hàn Quốc, v.v…). Vì thế, nhiều năm nay, nhiều nước đã né tránh đăng cai các thế vận hội cũng như các kỳ Asian Games.

Một sự kiện “hùng hồn” nữa khiến xã hội phải... “thất kinh” là Bộ VH-TT-DL gần đây lại được phê duyệt kinh phí 11.000 tỷ đồng để “xây vỏ” cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia; trong khi cả nước có nhiều bảo tàng cũ (đã được chỉnh trang, nâng cấp) đều còn tốt và xây mới khang trang, nhưng hoạt động thì rệu rã, cầm chừng, không phát huy được hiệu quả thiết thực.


Ảnh minh họa.

Mới rồi, dư luận lại càng bàng hoàng, kinh hãi hơn, khi Bộ VH-TT-DL lại được phê duyệt kinh phí 11.000 tỷ đồng thực hiện đề án từ năm 2012 đến 2020: xây mới 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát, nâng cấp và xây mới 106 rạp chiếu phim, nâng cấp và xây mới 66 công trình nhà triển lãm trên cả nước! Ngoài ra, theo đề án này, tại các đô thị đặc biệt, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, sẽ đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn và hiện đại, đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế! Các thành phố khác cũng sẽ xây dựng các công trình văn hóa quy mô nhỏ hơn để tổ chức các hội nghị, khu vui chơi. Tại sao quan chức Bộ này không thấy nhỡn tiền: Bao nhiêu nhà hát, rạp chiếu bóng hoành tráng mà dường như vẫn tê liệt hoạt động- vì đa số nhân dân lo ăn không đủ, lấy tiền đâu đí xem hát, xem phim, và vì phim không hay, sân khấu thì nhạt nhẽo. Cho nên, nhiều công trình văn hóa công cộng bây giờ đã được các nhà quản lý cho tư nhân thuê, biến thành các quán rượu bia, vũ trường và các nơi ăn chơi khó bề kiểm soát. Còn các công trình tổ chức hội nghị thì èo uột hoạt động, năm thì mười họa, rồi lại vắng ngắt, đìu hiu.

Xem ra, các dự án quá lãng phí tiền bạc của dân và không thiết thực!

Đấy là chưa kể rất nhiều dự án khác của trung ương và của các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có rất nhiều dự án đầu tư công, đua nhau xây dựng các trụ sở cơ quan rất đỗi “hoành tráng”. Trong khi đất nước còn rất nghèo nàn, kinh tế đang khủng hoảng, nhà nước đang nợ nần và tiếp tục xin đầu tư, cấp vốn của nước ngoài, các DNNN đang nợ xấu, rất nhiều người lao động đang thất nghiệp, đời sống cơm áo gạo tiền của đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, hai thảm cảnh nổi bật nhất của đất nước hiện nay, là: Rất thiếu bệnh viện và rất thiếu trường học! Hàng vạn người bệnh trong cả nước phải chen chúc, nằm cả dưới gầm giường, vỉa hè, lối đi trong các bệnh viện , chưa kể các máy móc, thiết bị điều trị cho bệnh nhân đã quá thiếu, lại rất lạc hậu. Bao nhiêu cuộc quyên góp cứu trợ người nghèo, với số tiền vài chục nghìn tỷ, mà vẫn như muối bỏ bể. Bao nhiêu chương trình từ thiện xúc động lòng người, như “Nhà tình nghĩa”, “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng”, “Đèn đom đóm”, v.v... Bao nhiêu trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi không có “trường học”- theo đúng nghĩa- mà chỉ là những “phòng học” tranh tre nứa lá trống hơ trống hoác, mặc cho mưa dập gió vùi và những cuộc vượt sông sâu suối dữ đến trường đe dọa tính mạng trẻ em. Ngay cả giữa thủ đô Hà Nội mà còn thiếu trường học (trường phổ thông và mẫu giáo), nói gì đến những nơi xa xôi, hẻo lánh?!

“Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và các nghị quyết, chỉ thị, thông tư của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã chỉ rõ: “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”, phê phán các công trình xây dựng, tổ chức các lễ hội, các hội nghị và các chi phí cho đầu tư công tốn kém ngân sách mà không thiết thực phục vụ quốc kế dân sinh. Chỉ với riêng các dự án của một Bộ (VH-TT-DL) mà đã như thế, thì vô số các dự án của các Bộ, ngành, địa phương khác sẽ ngốn biết bao nhiêu tiền bạc của nhân dân, mà không thiết thực đối với đời sống nhân dân, không mang lại hiệu quả thiết thực?

Đào Ngọc Đệ

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.