[Thể thao -Bongda.com.vn] - Tiki-taka có thực sự giúp Bayern mạnh hơn?

(BongDa.com.vn) - Kẻ khởi xướng tiki-taka cho bóng đá đương đại là Barca đang ở điểm rơi thấp nhất của họ trong nửa thập kỷ qua. Ở chiều ngược lại, trên đường tiến đến vị thế thống trị mới, Bayern lại áp dụng lại chính lối đá từng khiến thế giới đảo điên này.



Nhìn lại tiki-taka ở Barca

Có nhiều lý do để Pep tự tin đến Bayern, trao cho họ bí kíp của trò chơi kiểm soát bóng. Barca đang có dấu hiệu chững lại bởi thiếu các ý tưởng mới trong tấn công và thiếu chắc chắn trong phòng ngự. Bayern thì khác, họ sở hữu hàng thủ vững chãi, ổn định, sở hữu rất nhiều cầu thủ tuyến trên có thể sút xa khi cần, những tiền đạo cắm có khả năng quấy phá vòng cấm, có thể là điểm đến tin cậy cho những quả tạt như một cách khai thông bế tắc. Với Bayern, Pep bỏ lại những yếu điểm đang tồn tại ở Barca trước đó, có cơ hội nâng tầm tiki-taka. Một điều đặc biệt khác, ở Đức người ta còn rất bỡ ngỡ với lối đá này, đại đa số các đội tại Bundesliga lại quá thua sút về trình độ để có thể ngăn cản, phá vỡ nó. Hay chính xác thì, Bayern chưa đá tiki-taka của mùa trước cũng vốn đã chẳng có đối thủ rồi.


Lối đá tiki-taka có khiến Bayern đáng sợ hơn, ghi được nhiều bàn hơn những đội bóng hùng mạnh khác? Ảnh: Internet

Nhìn lại Barca, tiki-taka của họ xứng đáng là một phát minh vĩ đại, nhưng nó chưa thể là công thức chiến thắng hoàn hảo nhất để có thể sao chép. Trước đó, những đội phối hợp nhỏ tốt, tấn công bằng các pha đan bóng đã từng có rồi, nhưng Barca đem đến một quan niệm khác, họ làm mọi cách để “không cho đối phương có bóng”. Khác biệt tưởng rất nhỏ, nhưng rất cơ bản, một bên lấy bàn thắng là mục tiêu, ban bật làm công cụ, còn một bên lại lấy việc giữ bóng trong chân làm mục tiêu trước nhất, sau đó mới tính cách ghi bàn.

Barca quá xuất sắc trong trò chơi của họ, đó là vấn đề. Họ có một thế hệ, một đội hình ở đẳng cấp cao nhất khi tiki-taka xuất hiện. Lúc đầu, quy trình chiến thắng của Barca là khiến đối phương mệt nhoài vì đuổi bóng, tan rã cự ly đội hình, qua đó Barca sẽ trừng phạt bằng dàn cầu thủ tấn công siêu hạng. Họ đã liên tục thắng đậm, thắng vùi dập, thắng tàn nhẫn bằng quy trình đó. Tuy nhiên, theo thời gian, chẳng mấy đối thủ dại dột lao lên tranh bóng nữa. Họ nhận ra thứ cần bảo vệ là khung thành.

Barca vẫn dựa vào lực lượng cực mạnh của mình để có những thành công, tuy nhiên kể từ sau Chelsea 2009, rồi Inter 2010, dần dần những hạn chế của tiki-taka đã bộc lộ. Tiếp đó, Real của Mourinho cũng tìm được cách ứng phó khá hiệu nghiệm với Barca để đoạt lại La Liga. Barca vẫn mạnh trước các đội yếu hơn, nhưng trước các đối thủ lớn, họ không còn tỏ ra trên tầm bằng tiki-taka như trước nữa. Họ thua Chelsea có phần không tâm phục năm 2012, nhưng đến năm 2013 bị một Bayern hiện đại, mạnh mẽ nhấn chìm thì chẳng còn gì để biện hộ. Và rồi năm 2014 này, khi đang cố làm gì đó khác với tiki-taka, thì họ lại bị loại một cách còn bạc nhược, thất vọng hơn trước đội bóng “chiếu dưới” ít sao là Atletico Madrid. Mọi thứ ngày càng đi xuống.

Tiki-taka có thích hợp với Bayern?

Với việc sở hữu đội hình thuộc loại chất lượng, phong phú, đồng đều hạng nhất thế giới, tiki-taka có đem đến cho Bayern sự vượt hơn so với những đội bóng có chất lượng tương đồng? Có, Bayern chắc chắn vượt hơn những Real, Man City về tỷ lệ kiểm soát bóng trong các trận đấu, “tạo cảm giác” áp đảo. Nhưng khi đối mặt với cùng những vật cản gai góc, lối đá ấy có khiến Bayern đáng sợ hơn, ghi được nhiều bàn hơn những đội bóng hùng mạnh khác? Hãy nhìn cách Man City hay Liverpool giành chiến thắng trước MU, họ có thể chẳng mạnh bằng Bayern, nhưng họ thắng MU dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, và họ cũng chẳng để MU tạo nổi những cơ hội như Welbeck hay Rooney đã có trước khung thành Neuer. Tại sao?

Như đã nói, tiki-taka không còn “kỳ lạ” nữa, tất cả các đội bóng đều biết họ có thể “đổ bê tông” và chờ cơ hội. Ai cũng biết rằng vòng cấm chật chội sẽ gây khó cho bất cứ loại bóng đá tấn công nào, trong khi tiki-taka thì lại luôn khiến đối thủ muốn tạo ra một vòng cấm chật chội. Có thể thấy, khi tiếp cận vòng cấm đối phương, Bayern lại tấn công theo thói quen, theo kiểu quen thuộc và phù hợp với những con người của họ, na ná như trước đây, họ chỉ đá tiki-taka từ xa hòng giữ bóng mà thôi. Thế nhưng chính vì tiki-taka không cho đối phương cơ hội lên bóng, nên vòng cấm lúc nào cũng sẽ có cả lố người ở đó.


Tiki-taka có thích hợp với Bayern? Ảnh: Internet

Đối phương không thể có bóng, họ tất nhiên sẽ chẳng lao lên cao, sẽ chẳng dám đưa quá nhiều người về phía khung gỗ bên kia, họ không muốn lao vào trò chơi đuổi bắt để rồi kiệt sức. Đội hình của họ không bị kéo giãn, lỗ hổng không có nhiều, cảm giác lên lên xuống xuống sầm sập như thủy triều mà Bayern thể hiện mùa trước vì thế cũng khó lòng tái hiện được. Đó là một logic rất rõ ràng.

Khi đối thủ co cụm, những khe hở sẽ hẹp lại, bóng khó triển khai hơn, đi đâu cũng đụng người, khi ấy làm thế nào để có bàn thắng? Chẳng có gì khác ngoài trông đợi ở sự xuất sắc cá nhân, những người có thể khoan phá bằng kỹ thuật và sức mạnh, những quả tạt bóng cầu may, hoặc những cú sút từ ngoài 20 mét. Với Bayern thì khi bế tắc họ chủ yếu trông chờ ở đôi cánh Robben – Ribery, cũng giống như Barca cần có Messi và Iniesta để đột phá vậy. Nhưng làm gì có siêu sao nào “khoan cắt bê tông” được mãi, sự phụ thuộc ấy chẳng bền. Nếu một đội bóng nào chơi tiki-taka mà không có những Messi hay Robben, họ biết tính sao? Và nếu vậy, thì sự thành công không hẳn nằm ở lối đá, mà nằm ở việc có những ngôi sao biết solo xuất thần.

Không nhiều người từng mê mẩn Bayern tổng lực của Heynckes muốn một ngày Bayern giống như Barca của trận gặp Atletico, chuyền hàng trăm đường, giữ bóng thật chắc, nhưng không ghi bàn được. Giờ đây, đội có triết lý được yêu thích rộng rãi nhất có lẽ lại là Dortmund, vừa cống hiến vừa thực tế, chỉ tiếc họ không có đủ nguồn lực để duy trì và phát huy nó đến cực hạn, họ không “có điều kiện” bằng Bayern.

Việc cố gắng cầm bóng trước khi nghĩ đến bất cứ điều gì khác còn khiến cho Bayern đôi khi trở nên máy móc. Họ gần như giữ bóng bằng mọi giá, “sợ” bị mất bóng, chẳng thế mà đến thủ thành Neuer và các hậu vệ cũng loay hoay chuyền gần bằng được chứ nhất quyết không chịu phát mạnh lên, sự “cố quá” ấy đem đến rất nhiều pha bóng lúng túng, cuối cùng vẫn phải “đá bừa” về phía trước, đôi khi tặng cho đối phương những quả ném biên vô lý.

Không có nhiều điều để nói về Bundesliga, nơi Bayern vô địch sớm 7 vòng, nơi đội duy nhất có thể cạnh tranh là Dortmund đã suy yếu quá nhiều. Bây giờ, Champions League, giấc mơ bảo vệ thành công chiếc cup danh giá này sẽ là thử thách, là bài test để đánh giá sức mạnh thực sự của Bayern phiên bản kết hợp tiki-taka. Pep dù sao đi nữa vẫn là một nhà huấn luyện đại tài, ông có thể tạo được những kỳ công như Sir Alex, Mourinho vậy. Tiki-taka có giúp Bayern thêm mạnh hay không thì chưa thể khẳng định, nhưng Pep thì luôn hiểu và biết muốn chiến thắng sẽ phải làm thế nào. Hãy cùng chờ đón màn trình diễn của Hùm xám trước Real trong trận “Siêu kinh điển” của Champions League để có thêm những cái nhìn chính xác.