Cạnh tranh trong lĩnh vực phân bón đang "hết sức gay go" khi các doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với các sản phẩm nhập lậu giá rẻ, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), 2 tháng đầu năm 2014, phân bón tồn kho khá cao, lượng đạm urê tồn kho gần 70.000 tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Gia Tường - Phó TGĐ Vinachem cho biết, lượng phân bón trong nước tồn kho nhiều như hiện nay là do phân urê của Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam với giá bán khá thấp. Trong khi đó, các đại lý trong nước chờ đợi đến khi giá giảm sâu mới nhập hàng, nên lượng tồn kho trong các nhà máy càng tăng.
Lép vế bởi phân bón lậu
Theo một đại diện của DN chuyên sản xuất phân bón, phân urê Trung Quốc được nhập về Việt Nam có giá rất rẻ, chỉ khoảng 6.000 - 6.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với urê sản xuất trong nước. Thậm chí, để giải phóng hàng tồn kho, DN đã bán dưới giá thành sản xuất nhưng vẫn cao hơn của Trung Quốc tới 1.000 đồng/kg (1kg urê được bán lỗ vẫn có giá 7.500 đồng).
Ông Tường cho rằng, phân bón kém chất lượng, giá rẻ bán tràn lan khiến việc tiêu thụ hàng hóa của nhiều DN chân chính bị chậm lại. Có một thực tế là ai cũng có thể sản xuất phân bón giá rẻ, kém chất lượng với nhiều thương hiệu khác nhau. Ví dụ hàm lượng dinh dưỡng quy định 20%, họ chỉ làm 2%.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có đến 500 DN sản xuất phân bón và trên dưới 30.000 đại lý kinh doanh phân bón, trong đó có không ít cơ sở làm ăn chụp giật, kinh doanh hàng gian, hàng giả đã gây nhiễu loạn thị trường phân bón trong thời gian qua.
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các đợt kiểm tra gần đây cho thấy 50% các mẫu phân bón được lấy để kiểm tra cho kết quả kém chất lượng cả về yếu tố đa lượng và vi lượng. Việc sử dụng phân bón kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Việt Nam 800 triệu USD.
Mỗi khi vào vụ sản xuất, nạn kinh doanh, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại gia tăng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín các DN sản xuất, kinh doanh phân bón.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Các đối tượng vi phạm rất đa dạng, từ các đại lý buôn bán nhỏ lẻ đến các tổ chức, các DN lớn, cá biệt có cả DN Nhà nước. Hiện nay, các loại phân bón nhập lậu, giả, kém chất lượng chủ yếu là phân urê, kali và NPK. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố.
Rất nhiều vụ việc vi phạm về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón bị phát hiện, nhiều DN bị xử phạt, nhưng so với tổn th-ất quá lớn mà người nông dân phải gánh chịu thì số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu.
Siết bằng Nghị định?
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội cho rằng: "70% nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nhưng những gì họ thu lại từ những nỗ lực của mình chưa tương xứng. Nhìn những nông dân cầm nông sản khô héo của mình do nạn phân bón giả gây ra, tôi cho rằng, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm trong việc quản lý thị trường khi để xảy ra tình trạng này".
Theo Cục Quản lý thị trường, công tác quản lý phân bón hiện nay đang gặp phải hàng loạt khó khăn, như: để phân biệt phân bón giả, kém chất lượng không thể nhận biết bằng mắt thường, phải kiểm định tại các tổ chức giám định được chỉ định nhưng kinh phí giám định còn thiếu, thời gian giám định kéo dài, vì vậy không xử lý kịp thời; mức xử phạt thấp, nên tính răn đe chưa cao, nhiều đối tượng vi phạm vẫn tái phạm. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng; kinh phí, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu trong khi các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi... Mặt khác, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Có ý kiến cho rằng, hàng năm, những thông tin của ngành chức năng về việc kiểm tra, phát hiện và xử lý những sản phẩm phân bón đạt hoặc không đạt về tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường trong địa phương lâu nay gần như không được công bố rộng rãi. Điều này tạo ra lỗ hổng để cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng có khả năng tái phạm. Nông dân không nắm được thông tin đâu là phân bón giả, đâu là thật, nên mua một cách tù mù và lĩnh hậu quả.
Trước thực trạng bát nháo trong hoạt động sản xuất, thị trường phân bón, tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, được kỳ vọng sẽ hạn chế bớt tình trạng sản xuất phân bón lộn xộn như hiện nay, tránh thiệt hại không đáng có cho DN chân chính và nông dân.
Để lập lại trật tự cho ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị cần tái cơ cấu lại thị trường phân bón. Thanh lọc hệ cung ứng, tránh chồng chéo qua nhiều cầu gây đội giá thành, thiệt hại cho nông dân. Cần kiểm soát quyết liệt để ngăn chặn việc gian lận thương mại, tuồn phân bón kém chất lượng từ các cửa khẩu biên giới vào Việt Nam.
Thu Hường