[Kinh tế-Seatimes] - Bảo dưỡng cẩu thả, máy bay VNA rơi ốp quạt làm mát

(Seatimes) Theo kết quả điều tra của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân trực tiếp khiến máy bay Vietnam Airlines bị rơi mất ốp quạt làm máy là do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng đã cắt xén quy trình.


Máy bay VNA bị rơi ốp quạt làm mát do nhân viên bảo dưỡng cẩu thả. Ảnh minh họa

Theo kết quả điều tra của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân trực tiếp khiến máy bay Vietnam Airlines bị rơi mất ốp quạt làm máy là do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng đã cắt xén quy trình.

Chiếc máy bay A321 của Vietnam Airlines (VNA) mang mã hiệu đăng ký quốc tịch VN-A397 đã phát hiện bị rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh hôm 26/3, sau khi thực hiện chuyến bay từ Đà Lạt đến TPHCM. Ốp bảo vệ này sau đó đã được tìm thấy tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT, đồng thời lập tổ công tác kiểm tra xác minh vụ việc. Mới đây, kết luận của Cục Hàng không đưa ra là do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng rút ngắn thời gian bảo dưỡng, không tuân thủ triệt để quy trình bảo dưỡng, cẩu thả, vội vàng dẫn đến sao nhãng, thiếu sót.

Cục Hàng không đã thu hồi giấy phép bảo dưỡng tàu bay đối với tổ kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng thay cụm phanh của tàu bay VN-A397 để thực hiện huấn luyện lại về ý thức tuân thủ quy trình bảo dưỡng tàu bay và yếu tố con người trong quá trình thực hiện bảo dưỡng tàu bay.

Đồng thời, Cục cũng giao Thanh tra hàng không tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân liên quan theo nhằm duy trì nghiêm kỷ luật an toàn khai thác tàu bay.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VNA, Công ty kỹ thuật tàu bay (VAECO) thực hiện huấn luyện và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy trình cho các phi công, nhân viên kỹ thuật.

Trước đó, ngày 21/10/2013, một chiếc máy bay của VNA cũng xảy ra sự cố gãy bánh khi bay từ Hải Phòng đi Đà Nẵng. Thực hiện chuyến bay này, chiếc máy bay ATR 72 gặp sự cố rơi mất 1 bánh ở phía trước (bánh mũi) nhưng vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Đà Nẵng. Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thành lập tổ công tác điều tra vào Đà Nẵng và yêu cầu VNA dừng bay toàn bộ đội bay ATR-72 trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Qua phân tích và đánh giá đầu trục bị gãy, bánh xe thu được và thông tin trao đổi, khuyến cáo của Nhà chế tạo tàu bay (ATR), Cục Hàng không nhận định có hai tình huống xảy ra: Một là, vòng bi bị kẹt, gây lực xoắn quá giới hạn cho phép lên đầu dẫn đến gãy trục. Hai là, trục bánh xe đã bị nứt ngầm gây ra biến dạng trong quá trình khai thác trước đó dẫn đến kẹt vòng bi dẫn đến gẫy trục.

Chiếc máy bay ATR-72 gặp sự cố có số hiệu đăng ký VN - B219, xuất xưởng năm 2009 và được VNA đưa vào khai thác ở Việt Nam từ ngày 13/10/2009. Ngày kiểm tra kỹ thuật định kỳ gần nhất là 21/9/2013.

Tag