[Xã hội-Báo Tin tức] - Tổ chức Đại lễ Vesak 2014 trang nghiêm, chu đáo, thiết thực

Chiều 19/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014 tại Việt Nam.



Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho biết đã chuẩn bị các phương án, xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vận chuyển hành khách, tham gia xây dựng kịch bản, hướng dẫn nội dung trong Đại lễ, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trước và trong Đại lễ.

Với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện những công việc liên quan, xây dựng Đề án tổ chức Đại lễ Vesak. Một Tổ công tác liên ngành có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản đã được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện, Công ty Xuân Trường (Ninh Bình) – nhà tài trợ chính cho Đại lễ đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hội trường và các hạng mục liên quan đến nơi diễn ra Đại lễ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được trách nhiệm lớn lao trước sự kiện quan trọng không chỉ của Phật giáo trong nước mà của Phật giáo toàn cầu. Phó Thủ tướng khẳng định tổ chức Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, xã hội, do đó cần rút kinh nghiệm công tác tổ chức Vesak 2008 để triển khai tốt hơn. Các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ trang nghiêm, chu đáo, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí hình thức, tránh phản cảm, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ dân tộc, tôn giáo.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN


Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến khi diễn ra Đại lễ, thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lớn, các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là tỉnh Ninh Bình và Tổ công tác liên ngành cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể, chủ động trong các bước công việc, không để xảy ra sai sót, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh, thể hiện sự hiếu khách của người Việt Nam. Tổ công tác liên ngành và các Ban của Giáo hội cần phối hợp, công bố sớm số lượng khách, kịch bản chi tiết của Đại lễ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong điều tiết công việc chung, hướng dẫn giúp đỡ Giáo hội các thủ tục cần thiết, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Bộ Ngoại giao giúp Giáo hội trong việc hướng dẫn công tác lễ tân nhà nước, đón tiếp đoàn vào, đoàn ra, giải quyết các thủ tục giấy tờ liên quan đến đại biểu. Bộ Công an chủ động nắm tình hình, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, phòng chống cháy nổ khu vực trung tâm và các khu vực liên quan, phân luồng giao thông, quản lý xuất, nhập cảnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Đại lễ, bố trí nơi nghỉ cho đại biểu. Bộ Y tế bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho đại biểu tham gia Đại lễ. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông định hướng công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền phục vụ công tác đối ngoại.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 tại khu du lịch văn hóa tâm linh Bái Đính, Ninh Bình từ 7 - 12/5 , trong đó Đại lễ chính sẽ diễn ra từ 8 - 10/5. Đại lễ năm nay có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 đại biểu chính thức, trong đó có 1.500 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Kinh phí tổ chức Đại lễ cơ bản được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Đại lễ Vesak 2014 là cơ hội giới thiệu đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế, phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là dịp để khẳng định sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo, vận động để thế giới và UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới.

Chu Thanh Vân